Truyền thuyết về một trong tứ đại danh lâu Trung Hoa – Hoàng Hạc Lâu

Hoàng Hạc lâu (tức lầu Hoàng Hạc) là một ngôi lầu tháp, được xây cất trên vực đá Hoàng Hạc của núi Xà bên bờ sông Dương Tử, thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay.

 

Hình Ảnh Hoàng Hạc Lâu

Hoàng Hạc lâu hiện nay được xem là một trong tứ đại danh lâu của Trung Quốc.Nói Hoàng Hạc lâu hiện nay là vì lầu cũ xây năm Hoàng Vũ thứ 2 đời nhà Ngô thời Tam Quốc (năm 223 tây lịch) đã bị thiêu huỷ. Xây đi, xây lại, thiêu huỷ đi, thiêu huỷ lại cả thảy là 12 lần (hay 11 lần gì đó) chủ yếu là do chiến tranh, loạn lạc. Lầu thứ 12 (hay 11?) xây năm 1868 và bị huỷ hoại vào năm 1884.

 

Lầu hiện nay được xây dựng vào năm 1957 cách vị trí 12 (hay 11?) lầu xưa khoảng độ 1 km. Lý do là chỗ nền đất lầu cũ được trưng dụng để xây cầu vượt sông Dương Tử. Tháng 10 năm 1981 lầu được tái thiết và tháng 6 năm 1985 thì khánh thành. Và Hoàng Hạc lâu bây giờ nằm gọn trong Hoàng Hạc công viên, và là một nơi nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước Trung Quốc.

 

Hoàng Hạc lâu khi xưa được xây dựng là do bắt nguồn từ một truyền thuyết dân gian. Tương truyền Phí Văn Vi, một tu sĩ đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng ngao du sơn thuỷ. Một hôm, tiên cưỡi hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân lại trên đồi Rắn để ngắm nhìn cảnh non nước hữu tình của dòng Trường Giang và núi Ngũ Hổ trong diễm lệ khói sương. Người đời sau đã từ nơi tiên cưỡi hạc vàng đi mất mất xây lên một ngôi lầu tháp đặt tên là Hoàng Hạc lâu.

 

Cổ kim hầu như tất thảy tao nhân mặc khách, chính khách, thi nhân trong và ngoài nước Trung Quốc đều làm thơ về Hoàng Hạc lâu. Điển hình như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mao Trạch Đông… bên phương Bắc hay như Ngô Thì Nhậm, Đinh Nho Hoàn, Nguyễn Du, Phan Thanh Giản… bên ta.

 

Nổi tiếng hơn cả đối với người Việt Nam ta là Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu qua bản dịch từ thơ thất ngôn bát cú sang thành lục bát của Tản Đà, tuy nhiên, đối với luật lục bát thì cũng chưa thật là chuẩn chỉnh, và đối với tinh thần của bài thơ gốc thì cũng chưa chuyển tải hết được. Còn hàng trăm bản dịch khác kể cả của các nhân vật cực kỳ nổi tiếng về văn hay chữ tốt như Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim… thì kể cũng chưa thực là đạt.

 

Nghĩ thử tự dịch và giữ nguyên thất ngôn bát cú xem sao? Thấy cũng ồn ổn:

 

“Ai cưỡi hạc vàng đi ấy nhỉ,

Mà lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây?

Hạc vàng đi mãi không về nữa,

Mây trắng ngàn năm quẩn chốn nầy.

Sông tạnh, Hán Dương cây rủ bóng,

Trời quang, Anh Vũ cỏ xanh dầy.

Sẫm chiều tự hỏi, nhà đâu tá?

Khói sóng… trên sông… ảm đạm… vầy?”

 

Còn bài “Quá Vũ Xương thành đề Hoàng Hạc lâu” (tức: “Tới thành Vũ Xương đề lầu Hoàng Hạc”) của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn cũng là một bài thơ hay, nên thử tự dịch thì thành ra vầy:

 

“Nhớ hạc lầu buồn đứng ngẩn ngơ,

Trên lầu mây lặng ngóng xa mờ.

Sông Xương sóng ánh muôn tia nguyệt,

Bãi Hán cây huờ vạn ý thơ.

Ngòi cũ nồi kê(*) đang lửa dở,

Vườn nay mái tóc đã màu tơ.

Tỉ như núi Phượng lên yên được,

Thổi sáo cùng ông khối kẻ mơ”.

_______

Ở đây Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn nhắc đến điển cố “Hoàng Lương Mộng”. Điển cố này kể về chuyện một thư sinh vào kinh dự thi được 1 đạo sĩ khuyên từ bỏ con đường cầu công danh mà chuyên tâm tu đạo. Thư sinh không nghe, đạo sĩ khiến thư sinh tiến vào giấc mộng. Trước giấc mộng quán trọ đang nấu dở nồi kê, sau giấc mộng nồi kê vẫn chưa chín mà trong giấc mộng, thư sinh đã trải qua cả một kiếp người. Tích thì dài nên không tiện kể ra ở đây, nhưng ý nói, đời người chẳng qua cũng chỉ như là 1 giấc mộng mà thôi, và ngắn hơn cả việc nấu chín 1 nồi kê.