Đinh Tú Anh
Tết đến, Xuân về xin được phép lạm bàn đôi chút về chữ Nho nói chung và chữ sĩ (học trò) 士, chữ cát (tốt lành) 吉 nói riêng.
Trước hết, phải nói rằng công cuộc chuyển đổi từ chữ Nho (chữ Hán phồn thể) sang chữ Quốc ngữ ngày nay là một may mắn lớn cho dân tộc ta mà những dân tộc sử dụng chữ chữ Hán hay chịu ảnh hưởng của chữ Hán có lẽ vĩnh viễn không bao giờ có được. Trước đây, cha ông ta học cả đời người nhưng vẫn có chữ chưa học tới, chưa biết. Thì nay, chỉ cần thuộc 24 chữ cái và 5 dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã chúng ta đã dễ dàng ký âm được hết thảy muôn vàn tiếng Việt phát âm ra. Thật là tiện hết chỗ nói.
Nhưng cũng thật đáng tiếc cho dân tộc ta. Giá như người ta không bỏ hẳn chữ Nho mà duy trì song song 2 loại chữ viết, chữ Nho và chữ Quốc ngữ thì hay biết mấy.
Tôi nhớ cách đây hơn chục năm tôi đã được đọc một cuốn sách của người Pháp viết về Việt Nam được dịch ra chữ Quốc ngữ. Trong đó, ông Toàn quyền Đông Dương người Pháp phản đối kịch liệt việc bỏ hẳn chữ Nho. Ông nói đại ý: Bỏ chữ Nho là cắt đứt các thế hệ người Việt với quá khứ cha ông của họ, tạo ra một vết đứt gãy văn hoá lớn không thể bù đắp. Và thực tế đã chứng minh, hiện nay hầu hết các thế hệ con cháu người Việt nhìn các di sản văn vật (vật có chữ) của cha ông chỉ như nhìn vào những bức vách mà thôi, chẳng hiểu gì. Tiếc rằng, lúc ấy và mãi sau này, cho đến tận bây giờ chẳng ai thèm nghe lời cảnh báo của vị Toàn quyền Đông Dương và những tiếng nói tương tự khác. Người ta chỉ say sưa bài Trung tức bỏ chữ Hán, chữ Nho mà thôi.
Không chỉ nhìn các di sản văn vật của cha ông như nhìn vào những bức vách. Mà do không học chữ Nho, nên hiện nay các từ Hán Việt hay từ có nguồn gốc Hán Việt (chiếm khoảng từ 25 – 50% trong tiếng Việt, tuỳ theo công bố của từng công trình nghiên cứu), chúng ta cũng chỉ hiểu được một cách sơ sài mà khó lòng hiểu được ngụ ý thâm sâu trong từng từ, từng ngữ.
Mặt khác, cha ông chúng ta dạy chữ Nho (chữ Hán phồn thể) cũng khác với cách chúng ta học chữ Hán (phồn thể, giản thể) như một ngoại ngữ hiện nay. Cha ông dạy đạo làm người thông qua từng nét chữ. Ngày nay chúng ta chỉ nhận mặt và cố nhớ mặt chữ mà thôi. Đặc biệt, việc Trung Quốc bỏ chữ Hán phồn thể chuyển sang chữ Hán giản thể cũng đã làm “méo mó” các con chữ đi rất nhiều, khó có thể tìm thấy việc “rèn người” trong quá trình dạy chữ nữa.
Lấy chữ sĩ (học trò) 士 làm ví dụ.
Sách “Tự học chữ Nho” của tác giả Đào Mộng Nam giảng đại ý. Chữ sĩ bao gồm trên là chữ thập 十, dưới là 1 nét ngang 一. Nét ngang ở dưới biểu thị chữ nhất, là người học trò, là người học hành nghiên cứu chữ nghĩa. Nét ngang 一 của chữ thập 十 biểu thị 4 phương, 8 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam), tức là bao trùm toàn bộ mặt đt theo quan niệm của phương Đông khi xưa, nơi con người sinh sống. Nét ngang này ngụ ý rằng, người học trò, người học hành nghiên cứu chữ nghĩa phải thông thạo Nho y. Tức là phải hiểu về con người, phải hiểu về vạn vật và phải hiểu về cách thức trị bệnh, cứu người.
Nét sổ của chữ thập 十 biểu thị cho trên trời, dưới đất. Tức ngụ ý rằng người học trò, người học hành nghiên cứu chữ nghĩa phải thông hiểu Lý số, tức đạo của trời đất, cách thức vận hành của vũ trụ.
Vậy chữ sĩ là để chỉ học trò, để chỉ người học hành, nghiên cứu chữ nghĩa. Và đã là học trò, đã người là nghiên cứu chữ nghĩa thì phải thông thuộc Nho y, Lý số. Thật là một cách răn dạy, gửi gắm trọng trách, sứ mệnh thiết tưởng không thể nào mà ý nhị, sâu sắc hơn.
Lại nói về chữ cát (tốt lành) 吉
Chữ cát gồm trên là chữ sĩ 士 và dưới là chữ khẩu 口. Cũng sách nói trên của Đào Mộng Nam giảng rằng. Sĩ, kẻ sĩ 士 (tức học trò, tức người nghiên cứu học hành, chữ nghĩa) là tầng lớp đứng đầu hạng bình dân khi xưa, sau vua chúa, quan lại, là sĩ, nông, công, binh. Ngụ ý chữ cát (tốt lành) 吉 nói rằng, lời nói từ miệng 口 kẻ sĩ 士 nói ra luôn là những lời tốt lành. Vậy nếu bạn, nếu tôi là học trò, là kẻ sĩ, liệu học đến đây chúng ta có dám, có nỡ lòng nào mà thốt ra những lời xấu xa?
Khi xưa đi học chữ Quốc ngữ, vẫn thường nghe nói rằng “dạy nét chữ, rèn nết người” mà mơ hồ không hiểu. Bây giờ, động đến chữ Nho mới thật sự hiểu.